Trải qua 87 tập phim, Hậu Cung Như Ý Truyện khép lại với biết bao cảm xúc khác nhau trong lòng khán giả. Người ta xót thương cho Như Ý (Châu Tấn) - một người phụ nữ có sự nhẫn nhịn phi thường cùng tình yêu cao thượng cho phu quân và tấm lòng từ bi đối với những kẻ thù luôn tìm cách tính kế hãm hại mình. Sau Như Ý, biết bao nhiêu giọt nước mắt cũng rơi xuống vì một Ý Hoan si tình, một Kim Ngọc Nghiên đa mưu nhưng đổi lại chỉ là hư vô, một Tô Lục Quân dại khờ,... Còn nhân vật chính Càn Long (Hoắc Kiến Hoa) thì như thế nào?
Càn Long đáng trách bao nhiêu thì càng đáng thương bấy nhiêu.
Chẳng những không nhận được sự đồng cảm của khán giả, Càn Long còn bị chỉ trích thậm tệ trước những hành động gây "ức chế" của nhân vật này. Khán giả đặt cho Càn Long nhiều biệt danh khác nhau, nào là "Tra Long", "Tra nam" hay "Lão già khốn khiếp". Thế nhưng, liệu có ai nhìn thấy được sự đáng thương của vị vua ấy? Đàn ông chẳng bao giờ khóc nhiều như phụ nữ nhưng một khi nước mắt đàn ông rơi cũng đồng nghĩa với việc anh ta có biết bao nhiêu nỗi đau, bi thương dồn nén. Và Càn Long, thân là vua một nước nhưng ông cũng đã khóc rất nhiều, khóc cho thê thiếp, khóc cho con cái,... Nếu nhân vật này đáng trách bao nhiêu thì lại càng đáng thương bấy nhiêu.
1. Không nạp được Như Ý làm Đích Phúc tấn
Có lẽ đây chính là nỗi đau khổ, nỗi dằn vặt đầu tiên của Càn Long. Hoằng Lịch và Thanh Anh, một đôi thanh mai trúc mã khiến nhiều người phải ghen tỵ; mặc dù cả hai chưa bao giờ nói một lời tỏ tình, yêu thương nhưng trong thâm tâm của mỗi người thì đều hướng tới người còn lại. Trong buổi tuyển tú của Tam A ca, vì Hoằng Lịch mà Thanh Anh cố tình khiến mình bị loại. Ngay sau khi nghe tin Thanh Anh không được chọn, Hoằng Lịch mừng rỡ chạy đi tìm nàng. Đứng trên Giáng Tuyết hiên lộng gió, Hoằng Lịch nhờ Thanh Anh đến buổi tuyển chọn để giúp mình tìm được người phù hợp. Chàng thanh niên ấy cũng ngầm chọn Thanh Anh chính là Đích Phúc tấn của mình rồi.
Lời hứa với Thanh Anh năm nào đã vỡ tan theo "thời thế".
Tuy nhiên "vật đổi sao dời", cô mẫu của Thanh Anh bị kết tội, cấm túc tại Cảnh Nhân Cung. Ung Chính Hoàng đế liền hủy bỏ tước hiệu Đích Phúc tấn của Thanh Anh và nàng bị dọn ra khỏi cung. Cuối cùng, Hoằng Lịch phải đưa thanh ngọc Như Ý cho Phú Sát Lang Hoa để cầu xin nạp Thanh Anh làm Trắc Phúc tấn. Sau đó, Ung Chính dạy bảo Hoằng Lịch rằng nên phân biệt giữa tình cảm và trọng trách làm vua, công và tư chẳng bao giờ dung hòa được. Từ đó, chàng trai mang tên Hoằng Lịch dần dần chết đi để nhường chỗ cho vị Hoàng đế Càn Long cao cao tại thượng.
2. "Tại sao những người ở bên cạnh trẫm lại luôn tính kế với trẫm?"
Càn Long đã khóc và hỏi Như Ý một câu rằng: "Tại sao những người bên cạnh trẫm lại luôn tính kế với trẫm?". Chẳng phải ngẫu nhiên mà vị Hoàng đế này lại hỏi một câu như vậy. Ông phát hiện ra Bạch Nhị Cơ, Tề Thái Y là tay sai của Sùng Khánh Thái hậu, Ngọc Nghiên và Vĩnh Thành ám sát ở bãi săn Mộc Lan,... Càn Long luôn luôn sống trong trạng thái lo sợ và từ đó đề phòng với những người xung quanh mình chỉ vì sợ họ có mục đích khác với chính bản thân mình.
Đau khổ vì bị người khác tính kế.
Cũng vì thế, Càn Long mới âm thầm làm thuốc tránh thai cho Thư phi Ý Hoan, để Dục Hồ cô cô điều tra mọi nghi vấn và hơn hết sủng ái Lệnh phi Vệ Yến Uyển tận trời. Bởi theo ông, Yến Uyển chính là người mà mình đích thân tạo nên, sẽ chẳng bao giờ có âm mưu cũng như tính kế với mình. Tuy nhiên, niềm tin của Càn Long đã đặt sai chỗ. Một người yêu thương Càn Long hết mực lại bị ông năm lần, bảy lượt trừng phạt, còn kẻ gây ra biết bao nhiêu tội ác lại dễ dàng qua mắt mình. Hẳn Càn Long đã rất đau đớn khi biết được bị người thân cận tính kế.
3. Nỗi đau của người cha mất con
Trong suốt 87 tập phim, đã có biết bao nhiêu đứa trẻ trong Tử Cấm Thành phải ra đi khi tuổi còn rất nhỏ. Chẳng có nỗi đau nào bằng nỗi đau "người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh". Nếu như các vị phi tần đau đớn khi mất đi 1, 2 đứa con mình đứt ruột đẻ ra thì Càn Long lại chính là người chứng kiến từng nỗi đau cào xé trong trái tim người làm cha ấy.
Khán giả chẳng thể nào quên được Càn Long gục ngã ngoài sân và luôn tự trách mình: "Tại sao con của trẫm lại mất nữa rồi? Tại sao từ sau khi trẫm đăng cơ đến một đứa con cũng không sống được? Có phải là ông trời đang trừng phạt trẫm hay không?". Hay khi Đại A ca Vĩnh Hoàng qua đời, Càn Long lại một lần nữa chết đứng khi biết được đứa trẻ đáng thương được sinh ra ở Tiềm đế ra đi. Đỉnh điểm nhất là cái chết của Ngũ A ca Vĩnh Kỳ. Đây là đứa con Càn Long đặt nhiều hy vọng nhất, yêu thương nhất và là lựa chọn hàng đầu cho ngôi vị thừa kế.
Càn Long tuy có bạc bẽo, vô tình nhưng ông cũng là một người cha, cũng đau đớn khôn nguôi khi lần lượt nhìn các con ra đi trước mắt mình.
4. Khó xử giữa công và tư
Thân là vua một nước nhưng Càn Long vẫn là một người chồng, người con trong một gia đình. Có biết bao nhiêu lần vị Hoàng đế ấy đã phải khó xử giữa việc công và chuyện tư. Đầu tiên là việc Như Ý bị vu oan mưu hại hoàng tự. Mặc dù Càn Long tin tưởng Như Ý hoàn toàn vô tội nhưng vì mọi bằng chứng đều đổ dồn về Như Ý nên Càn Long đành nhẫn nhịn để người mình yêu thương bị đày vào lãnh cung lạnh lẽo.
Mọi việc bị đẩy lên đỉnh điểm khi Càn Long phải chịu nhiều dằn vặt, chọn lựa việc gả hai công chúa cho Mông Cổ: một là em gái và một là con gái. Giữa vợ và mẹ, bên tình bên hiếu nên chọn bên nào cho phải lý? Cuối cùng, vì đại cục, người cha ấy cũng đành phải nhắm mắt gả đứa con gái duy nhất của mình và Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu đi xa.
Rồi đến việc lựa chọn cầm hòa hay kích động để cướp lấy công chúa Hằng Xúc trở về; cũng vì đại cục, vì sức ép của Thái hậu và các văn võ bá quan mà Càn Long đành khai chiến để Hằng Xúc tái giá và oán trách mình suốt đời. Không dừng lại ở đó, vì hậu thuẫn của nhà mẹ đẻ quá lớn, biết bao nhiêu lần Càn Long đành nhẫn nhịn phục vị cho Kim Ngọc Nghiên, Ách Âm Châu... Đừng tưởng ở vị trí cao nhất Càn Long có thể hô mưa gọi gió, bảo đi hướng Đông, tuyệt đối không được đi hướng Tây nhưng mỗi quyết định của con người đấy lại rất khó khăn và khó xử.
5. Luôn dằn vặt lương tâm vì những nghi kỵ không đáng có
Cách hạ gục đối thủ triệt để nhất chính là khiến cho Hoàng đế hiểu lầm rồi ruồng bỏ. Những âm mưu, tính kế của hậu cung đã khiến cho nhiều phi tần của Càn Long bị rơi vào hố hàm oan. Những người yêu thương Càn Long thật lòng như Thư phi Ý Hoan, Thuần Quý Phi Tô Lục Quân hay Hoàng hậu Như Ý đều lần lượt vì vị vua này mà ra đi. Chỉ vì nghi ngờ là người của Thái hậu, Càn Long khiến cho Thư phi Ý Hoan chôn mình trong biển lửa. Chỉ vì nghi ngờ có liên quan đến cái chết của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, Càn Long khiến cho Thuần Quý phi đổ bệnh mà chết. Chỉ vì ghen tuông vớ vẩn với Lăng Vân Triệt, Càn Long đẩy Như Ý đến bước đường cùng rồi cắt tóc đoạn tình nghĩa phu thê.
Đến khi nhận ra bản thân mình sai lầm thì mọi việc đã muộn.
Để rồi đến khi sự thật được phơi bày, Càn Long đã tự mình nhìn được cái sai và mong muốn quay lại từ đầ. Nhưng gương vỡ làm sao gắn lại được?. Nhiều người nói rằng kết cục dành cho Hoàng đế Càn Long như vậy là quá đỗi nhẹ nhàng. Thế nhưng, nếu nhìn nhận một cách bình tĩnh thì những gì mà Càn Long nhận lấy còn đau đớn gấp bội so với những việc ông làm. Những năm tháng trong phần đời còn lại, ông cô đơn lẻ loi một mình, mỗi đêm về lại tự mình dằn vặt những chuyện đã gây ra. Nỗi niềm tự trách bản thân mình đó chỉ kết thúc khi Càn Long mất đi mà thôi!
Sống một cuộc đời đầy nỗi dằn vặt, tự trách bản thân.
Suy cho cùng, Càn Long cũng chính là một nạn nhân của bức tường thành đỏ rực của Tử Cấm Thành. Chẳng phải Càn Long đã giết chết Hoằng Lịch mà chính những âm mưu, tính kế đã vô tình giam cầm Hoằng Lịch lại, thay vào đó mọi người chỉ thấy được một Càn Long bạc bẽo, vô tình, ích kỷ...
Comments
Post a Comment