Lấy hình ảnh người phụ nữ làm trung tâm của những câu chuyện mang đậm tinh thần nữ quyền, Cô Ba Sài Gòn, Tháng Năm Rực Rỡ hay Em Là Bà Nội Của Anh,... đều là thước phim ý nghĩa, sâu sắc, phản ánh cuộc sống và tâm hồn của phái đẹp.
Cô Ba Sài Gòn
Đề cao nữ quyền với cách thể hiện khá mới mẻ, hiện đại, Cô Ba Sài Gòn là một tác phẩm giải trí của Việt Nam mang phong cách "chick-flick" (phim dành cho phụ nữ). Từ tuyến nhân vật, những tấm poster đến nhan đề bộ phim, tất cả đều thể hiện tinh thần nữ quyền mà Ngô Thanh Vân muốn nhắn gửi. Xuyên suốt hành trình bộ phim cũng là hành trình mà nữ quyền lên ngôi với sự lấn át của các nhân vật nữ, ngay cả nhân vật nam chính do S.T thể hiện cũng rất mờ nhạt và không mấy ảnh hưởng đến mạch phim.
Cô Ba Sài Gòn là bộ phim đề cao tinh thần nữ quyền
Cô Ba Sài Gòn xoay quanh Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) - một cô gái trẻ xinh ngoại, có phần nông nổi và hiếu thắng. Vì tham vọng thể hiện cái tôi của mình mà Như Ý quyết định làm trái lời mẹ, khăng khăng chối bỏ truyền thống 9 đời của nhà may áo dài Thanh Nữ. Để rồi từ đó, biến cố và bi kịch liên tiếp xảy ra, Như Ý xuyên không đến thời hiện đại, gặp chính bản thân mình trong tương lai, một người phụ nữ thất bại, già nua, xấu xí, tối ngày chỉ biết chìm trong men rượu và tìm cách để tự tử. Tại đây, Như Ý mới nhận ra những lỗi lầm của mình và quyết định cùng chính bản thân mình trong tương lai vực dậy nhà may áo dài.
Phim là hành trình những người phụ nữ nhận ra giá trị đích thực của mình
Mẹ Chồng
Phát hành cùng thời điểm với Cô Ba Sài Gòn, Mẹ Chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng là một tác phẩm mang hơi hướm của dòng phim cung đấu khi cả một hậu cung rộng lớn được thu nhỏ bằng một mảnh đất Đại Điền nơi có Huỳnh gia ngự trị. Bản thân đạo từng chia sẻ: "Tôi xác định trước thể loại là phim nữ quyền sau đó mới bắt đầu nghĩ mình sẽ kể chuyện gì trong phim", kết quả, Lý Minh Thắng đã cho ra mắt Mẹ Chồng - một bộ phim với những người phụ nữ là trung tâm của câu chuyện, cụ thể là những nàng dâu trong một xã hội đặt nặng về lễ giáo phong kiến.
Mẹ Chồng là bộ phim mang hơi hướm cung đấu với nhân vật trung tâm là nữ giới
Giống như những bộ phim cung đấu đình đám của điện ảnh Hoa ngữ, Mẹ Chồng xoay quanh trận chiến đầy kịch tính của những người phụ nữ trong gia đình hội đồng Lịnh. Vẫn là mối quan hệ đầy căng đắng giữa mẹ chồng - nàng dâu, câu chuyện "xưa như Diễm" trong phim ảnh Việt, nhưng đạo diễn Lý Minh Thắng lại có hướng khai thác rất riêng để mang tới một câu chuyện hiện đại, mới mẻ giữa một bối cảnh mang đậm màu sắc Tây Nam Bộ những năm 50 của thế kỉ trước.
Phim là cuộc tranh đấu giữa chính những người phụ nữ trong Huỳnh gia
Phim bắt đầu khi những quan niệm và tư tưởng phong kiến khắt khe được bà Hai Lịnh (Diễm My) áp đặt lên cô con dâu ngoan hiền Ba Trân (Thanh Hằng). Không chấp nhận số phận, Ba Trân đã bất chấp đạo đức và lễ giáo, tiếp tục nhân bản những quy củ hà khắc của dòng tộc lên những con dâu của mình, trở thành bà mẹ chồng độc ác và tàn nhẫn bậc nhất xứ Đại Điền.
Tháng Năm Rực Rỡ
Không chỉ lấy nữ giới làm trung tâm câu chuyện, Tháng Năm Rực Rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn "chơi lớn" khi hội tụ đến 11 nữ chính bao gồm hàng loạt những tên tuổi đình đám của 2 thế hệ. Bộ phim không đặt nặng tư tưởng nữ quyền như Cô Ba Sài Gòn hay Mẹ Chồng nhưng lại là một một tác phẩm giải trí thuộc dòng chick flick thành công nhất của màn ảnh Việt thời điểm hiện tại. Tuy Việt hóa từ kịch bản Sunny đình đám của Hàn Quốc nhưng Tháng Năm Rực Rỡ là một câu chuyện hoàn toàn độc lập với những mảng miếng rất thú vị và thuần Việt.
Tháng Năm Rực Rỡ được đánh giá là bộ phim chick flick thành công nhất của màn ảnh Việt thời điểm hiện tại
Bộ phim xoay quanh hành trình Hiểu Phương (Hồng Ánh) thực hiện tâm nguyện cuối đời của "chị đại" Mỹ Dung (Thanh Hằng), đi tìm những người bạn thân trong nhóm Ngựa Hoang đã bị thất lạc nhau từ 25 năm về trước. Hành trình đó cũng là nơi mà nhóm bạn được sống lại với kí ức của những tháng năm rực rỡ, khi Ngựa Hoang vẫn còn là những cô gái 16 tuổi mộng mơ, đầy đam mê và nhiệt huyết. Và quan trọng hơn thế nữa khi bộ phim sẽ khiến các nàng như nhìn thấy chính bản thân mình trong mỗi nhân vật.
Nhóm Ngựa Hoang của những ngày trẻ dại
Chàng Vợ Của Em
Khác với những bộ phim còn lại, Chàng Vợ Của Em không hoàn toàn lấy nhân vật nữ làm trung tâm câu chuyện nhưng lại nhẹ nhàng gửi gắm những thông điệp về những điều mà một người phụ nữ hiện đại thực sự cần. Phim xoanh quanh Mai (Phương Anh Đào) – một cô tài giỏi, xinh đẹp, tự lập và là hình mẫu lý tưởng của những người người phụ nữ hiện đại. Ngoài xã hội, Mai là người có tất cả, địa vị, sự nghiệp, người yêu điển trai nhưng đến khi về nhà, Mai lại là một kẻ hoàn toàn thất bại, đến cả thú cưng cũng không đủ khả năng để chăm sóc. Bởi, Mai thiếu đi một thứ gọi là gia đình.
Một cô nàng tài giỏi ngoài xã hội
Nhưng lại quá đơn độc và không biết cách yêu thương chính mình
Cuộc sống của Mai bắt đầu thay đổi 180 độ từ ngày gặp người đàn ông "trái dấu", Hùng (Thái Hòa). Cô chẳng hề ngờ "kẻ biến thái" mình gặp ngoài công viên lại chính là người ngày ngày chăm sóc mình, tâm sự với mình mỗi đêm và lo cho mình từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ước mơ tìm cho mình một "chàng vợ" được thực hiện cũng là lúc Mai nhận ra những giá trị đích thực mà mình đang tìm kiếm. Đó không phải tiền tài, danh vọng phù phiếm ngoài kia mà chỉ đơn giản là một nơi thực sự được gọi là tổ ấm, một bữa cơm ấm nóng bên người mà cô thương yêu nhất.
Cuối cùng, Mai cùng tìm được một người "cần trô" cuộc đời mình
Xem bộ phim này, các chàng cũng sẽ nhận ra, người phụ nữ của mình dù có tài giỏi đến đâu thì họ cũng cần một người để yêu thương, nương tựa và san sẻ những nhọc nhằn.
Em Là Bà Nội Của Anh
Không chỉ là một bộ phim tình cảm, hài hước mang yếu tố viễn tưởng đơn thuần, Em Là Bà Nội Của Anh còn âm thầm gửi đến khán giả thông điệp về tầm quan trọng của nữ giới trong cả xã hội lẫn cuộc sống gia đình.
Phim là câu chuyện kể lại hành trình đi ngược về tuổi thanh xuân của của bà Đại (NSUT Minh Đức) – bà nội độc đoán trong gia đình 3 thế hệ . Tuổi cao cũng là lúc bà Đại nhận ra sự lạc lõng của bản thân trong chính căn nhà, nơi mà con trai tối ngày bận rộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền, con dâu thường xuyên đau ốm còn lũ trẻ thì quá khác biệt với thế hệ của bà. Quá buồn bã, bà đã dự tính đi chụp một kiểu ảnh để làm ảnh thờ, không ngờ hiệu ảnh "ma thuật" đó lại khiến bà trở lại chính mình của năm 20 tuổi, có sức khỏe, nhan sắc và cả thời gian.
Bà Đại trở về với chính bản thân mình của tuổi 20
Hành trình sống với tuổi 20 cũng là khi trái tim bà Đại một lần nữa biết rung động, khi bà được sống đúng với đam mê mà thời trẻ dại đã bỏ lỡ. Nhưng sau tất cả, bà đã chấp nhận trở lại với thân hình già nua để có thể cứu sống cháu trai mình và sống cùng với gia đình. Rốt cuộc, sau khi hi sinh cả tuổi trẻ cho gia đình, đến khi được sống cho bản thân, người phụ nữ đó vẫn chấp nhận đánh đổi, một lần nữa hi sinh, để những gì đã qua mãi như một giấc mộng tươi đẹp.
Tuổi 20 được đam mê và rung động sẽ là một giấc mơ tươi đẹp của bà Đại
Sống vì gia đình, của công việc hay của những ước mơ, tham vọng thì suy cho cùng, phụ nữ vẫn luôn cần được yêu và được hiểu đúng không nào? Xin phép gửi một lời chúc đến toàn thể phái đẹp thay cho lời kết, chúc cho các nàng luôn được yêu, được hiểu và được sống với đúng đam mê của mình để 365 ngày trong năm đều là ngày Phụ Nữ.
Comments
Post a Comment